Tập lực chim Chào mào – 6 lợi ích thật sự là gì?

  • September 17, 2021
  • Chim Admin

Xin chào Quý anh em nghệ nhân chơi chim Chào mào hót đấu, đấu hót. Chúc anh em một ngày thật nhiều niềm vui.

Chủ đề hôm nay mình muốn chia sẻ là “Những lợi ích thật sự của tập lực cho chim Chào mào” là gì?

Tập lực nói đơn giản là tập thể dục để tăng cường thể lực cho chim có phải ko? Chính xác là như thế, nhưng tập khi nào, cường độ ra sao, để giúp chim khỏe lại căng lửa vì nhiều anh em tập lực hoài mà chim không có tí lửa, vào lồng lực thì chim cũng chẳng chịu bay…

Khi nào cần tập lực cho chim Chào mào hót đấu?

  1. Chim yếu thể lực, ra giàn chơi được 5, 10 phút là há hốc mồm, đứng một chỗ, bỏ đấu.
  2. Chim yếu lửa, không có lửa, suốt ngày sìu sìu không lên lửa.
  3. Chim sau khi xong lông, thả lực để giúp lông ôm sát gọn gàng lại.
  4. Luyện thêm thể lực cho các chiến binh trước mỗi cuộc thi.
  5. Chim lười tắm, khó tắm, sợ lồng tắm nhỏ.
  6. Chim hay đi phân nát, uống nước nhiều. 

Chúng ta cùng phân tích, nhận định cho từng trường hợp nhé, từ đó biết được những lợi ích thật sự của tập lực chim Chào mào, để có cách chăm, chế độ tập luyện cho phù hợp nhất.

1. Chim yếu thể lực, chơi không nổi

Chim bị yếu lực, cải thiện thể lực cho chim cần nhiều yếu tố chứ không chỉ là tập lực. Khi thả lực, chim sẽ bay nhảy nhiều, cường độ cao mỗi ngày, thể lực, độ dẻo dai, độ bền sẽ tăng lên. Nhưng những yếu tố khác như dinh dưỡng cho chim yếu lực, bổ sung mồi tươi, trái cây, vitamin, khoáng, tắm nắng, tắm nước, vệ sinh thay bố lồng thường xuyên,…là những yếu tố vô cùng quan trọng giúp chim đủ dinh dưỡng, đủ chất cho quá trình tập lực.

Chim yếu lực thì phải tập thả lực từ từ mỗi ngày nhé, thả theo cường độ tăng dần từ 30 phút – 1 giờ – 2 giờ – nửa ngày và có thể từ sáng tới chiều. Khi bạn thả lực nhẹ theo cường độ tăng dần, chú chim sẽ có sự khác biệt rõ rệt nhé. Nhiều bạn chim đang yếu lực mà thả lực suốt, làm chim bị bã, không đủ thể lực, nên tụt lửa luôn.

2. Chim yếu lửa, tụt lửa, sìu sìu suốt ngày

Tình trạng này nhiều lắm, chim yếu lửa chứ không phải thiếu lực nhé. Nhìn chim vẫn khỏe, thể lực tràn đầy nhưng vì chế độ chăm chưa phù hợp, làm chim không lên lửa nổi. Các yếu tố làm chim tụt lửa mình xin phân tích kỹ trong một bài viết khác, bài viết này mình nói sâu hơn về tập lực.

Bạn chăm dinh dưỡng tốt, phơi nắng đủ, tắm nước đều…mà chim vẫn yếu sìu. Bạn đã thử thả lực chưa? Thả lực trong những trường hợp này nhiều lúc rất hay, giúp chú chim lên lửa luôn, giống như bạn bật được công tắc lửa cho chú chim vậy.

Có những chú chim bị stress hay sao đó, nên chăm hoài không lên lửa, nhưng khi thả vào lồng lực rộng rãi, để ngoài thiên nhiên sẽ giúp chú chim cải thiện tinh thần rất tốt khi được bay nhảy tự do. Và nhiều chú chim lấy lại lửa rất nhanh vì việc này. Bạn nên thử nhé!

3. Chim sau khi xong lông, lông chưa ôm

Những chú chim khi mới xong lông sau quá trình thay lông 2-3 tháng. Bộ lông còn lè phè, phình phình trông không đẹp và cũng chưa chơi được. Thả lực trong trường hợp này giúp chú chim mới xong lông nhanh lấy lại thể lực để bắt đầu vào lửa, bên cạnh đó bộ lông sẽ ngày càng ôm sát lại, gọn gàng đẹp đẽ. Thả lực, tắm nắng, tắm nước sẽ giúp chú chim Chào mào nhanh chóng lấy lại vóc dáng.

4. Luyện thể lực cho chim Chào mào trước những cuộc thi lớn

Những cuộc thi chim Chào mào đấu hót thường kéo dài 2-4 tiếng hoặc lâu hơn dưới cái nắng, cái nóng khắc nghiệt. Để chiến thắng những cuộc thi này, vào được TOP, trùm lồng hoặc chung kết thì không đơn giản tí nào. Ngoài yếu tố tài năng thiên bẩm của chú chim chiếm 60% thì 40% còn lại là do chế độ chăm sóc những chú chim thi đấu này.

Tập lực là một phần rất quan trọng trong chế độ chăm sóc này, tập đúng, đủ sẽ giúp chú chim bền về thể lực, sức chịu đựng để đủ sức đi sâu tại các cuộc thi. Chứ yếu thể lực, lên giàn trụ không nổi 2 tiếng thì sẽ ra về sớm thôi. 

5. Chim lười tắm, khó tắm, sợ lồng tắm nhỏ

Hẳn nhiều anh em thấy kỳ kỳ, vì đang nói về tập lực, thể lực sao lại tắm táp gì ở đây!! Nhưng thực sự là như thế nhé. Nhiều chú chim bị tật sợ lồng tắm nhỏ, sợ khay nước tắm. Nên khi thả vào lồng tắm nhỏ nó cứ bu chụp thành lồng, không bao giờ xuống tắm. 

Anh em hãy thử thả chú chim Chào mào vào lồng lực rộng 1m2, 2m24, bỏ khay nước tắm vào để xem sao nhé. Chắc chắn một điều chú chim sẽ dễ dàng xuống tắm hơn. 

Không phải thả vào là nó xuống tắm liền đâu, nó vẫn sợ nước, sợ khay tắm, nhưng trong lồng lực rộng rãi, nó có thể bay ra xa để nhìn nhìn, từ từ nó thấy cái khay tắm không có gì nguy hiểm nó sẽ bay lại gần, lại gần cũng không thấy gì nguy hiểm mà ngứa ngáy, muốn tắm quá nó sẽ nhảy vào tắm thôi. Quá trình để nó chịu tắm cũng có thể mất vài ngày nhé. 

6. Chim Chào mào hay đi phân nát, uống nước nhiều

Thật sự 10 anh em nuôi Chào mào thì hết 8,9 anh sẽ gặp trường hợp này không ít thì nhiều trong quá trình nuôi chim. Chim khỏe mạnh, tự nhiên uống nước nhiều, đi phân ướt hết bố lồng. 

Gặp trường hợp này, anh em cứ bình tĩnh, thay cám, thay nước, vệ sinh lồng nuôi mỗi ngày nhé. Vì có thể nước hay cám mất vệ sinh làm chim bị như vậy.

Bên cạnh đó, việc thả lực cho chim vào lồng lực, bay nhảy thoải mái, sẽ giúp đường tiêu hóa của chú chim tốt hơn, khỏe hơn. Chỉ cần thả thêm lực, hạn chế trùm áo lồng, treo chim nơi thoáng mát, chỉ sau 2-3 ngày chú chim sẽ đi phân khô đẹp lại nhé.

Trên đây là những chia sẻ, nhận định về tập lực cho Chim Chào mào mà mình rút ra được trong quá trình chăm chim Chào mào đấu hót. Hy vọng hữu ích cho anh em đam mê Chào mào để chăm sóc những chiến binh của mình được tốt hơn.

Xin cảm ơn anh em đã xem, nếu thấy bài viết hay, hãy chia sẻ nhé.

administrator

TÓM TẮT

Tập lực nói đơn giản là tập thể dục để tăng cường thể lực cho chim có phải ko? Chính xác là như thế, nhưng tập khi nào, cường độ ra sao, để giúp chim khỏe lại căng lửa vì nhiều anh em tập lực hoài mà chim không có tí lửa, vào lồng lực thì chim cũng chẳng chịu bay...

SẢN PHẨM BÁN CHẠY DÀNH CHO CHÀO MÀO

 

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ